Kinh nghiệm du lịch

Nhật ký du lịch Tây Tạng - Nepal 17 ngày (Phần 3)

Chúng tôi khuyên bạn nên đọc lại các bài trước để liền mạch cảm xúc và lịch trình. Umove Travel đang viết dưới dạng Nhật ký trong đó tả lại cảm xúc chân thực để các bạn hiểu rõ hơn nên sẽ khá dài.Hy vọng các bạn không bỏ sót bài nào của chúng tôi. Bởi để viết bài này  ngoài việc khám phá du lịch Tây Tạng xinh đẹp,chúng tôi đã phải đọc nhiều diễn đàn, sách, truyện, phải xem phim để tổng hợp cho các bạn. Vì vậy, cũng đáng để các bạn không bỏ lỡ chữ nào đúng không?

Ngày 5 : Lhasa- Deprung Monastery- Namtso Lake

Hôm nay sẽ là một ngày dài đẩy thử thách mang tên Namtso Lake – Hồ nước mặn cao và lớn nhất Tây Tạng (lớn thứ 2 tại Trung Quốc sau hồ Thanh Hải).

Tu viện Deprung có kiến trúc tương tự Ganden,với tường mầu trắng đỏ. Được xây dựng năm 1416, từng là nơi tu hành của 10.000 nhà sư, là một trong số ít những công trình tôn giáo không bị phá hủy trong cách mạng văn hóa. Ngày nay chỉ có khoảng 700 nhà sư ở trong tu viện này.

Chúng tôi rời Deprung, quay lại Lhasa ăn trưa nhanh để khởi hành đi hồ Namtso. Lúc này mọi người vẫn rất khỏe, tất cả không hề biết cái gì chờ đợi mình vào buổi chiều và đêm hôm đó.

Hồ Nam-Tso cách Lhasa 240km, đường đến hồ tương đối đẹp, đặc biệt là đoạn rẽ từ đường chính vào hồ (khoảng 60km). Tuy nhiên điều làm chúng tôi chú ý  nhiều nhất là tuyến đường sắt từ Lhasa đến điểm rẽ xuống hồ khoảng 180km và chạy tiếp lên phía Bắc. Dọc tuyến đường sắt này cứ 1 đoạn khoảng 100m lại có một cái lều và một anh lính khựa vác súng đứng canh. Thế mới thấy tình hình an ninh khi du lịch Tây Tạng phức tạp thế nào.

Qua cổng vào khu vực hồ, đi khoảng 20km, vượt qua đỉnh đèo 5190m, tại đây có điểm view point nhìn xuống hồ Namtso. Ra khỏi xe, đi lại mới thấy thử thách là rất đáng kể tại độ cao này, gió thổi mảnh, bắt đầu thấy đau đầu, thấy thiếu oxi khi di chuyển. 

Ngắm cảnh và chụp ảnh rồi tiếp tục lên đường, đường đi từ đây rất đẹp, hai bên là thảo nguyên rộng bao la, những đàn cừu, dê, bò yak đang gặm cỏ, gần đó là những lều của người du mục, xa xa là những dãy núi tuyết trắng xóa. Dừng chân lại chụp ảnh với một ông lão chăn cừu, chúng tôi tranh thủ mang cờ của Umove ra chụp. Đây là lần duy nhất trong chuyến đi chúng tôi chụp ảnh được với cờ vì khi chụp Chungqui không có ở đó. Sau này mới biết, Trung Quốc cấm chụp ảnh với mọi loại cờ và biểu ngữ tai Tây Tạng.

Xe đi thong thả giữa thảo nguyên bao la khoảng 15km, hồ Namtso lớn dần trong mắt chúng tôi. Khoảng 4h30 chúng tôi đến được chỗ nghỉ đêm. Đó là một khu trại nằm gần hồ, nép vào một hẻm núi tránh gió. Mọi người thấm mệt sau chuyến đi, sau khi nhận phòng xong là lăn ra ngủ. Có thể đó là một sai lầm lớn. Khoảng 5h30, tôi tỉnh dậy, cảm thấy mệt và khó thở hơn. Mọi người cũng dậy, ai cũng cảm thấy đau đầu và khó thở. Ra cửa ngồi cảm thấy dễ thở hơn chút nhưng vẫn không thể đi lại bình thường được. Độ cao ở đây mới là 4718m. Lúc này mới thực sự cảm nhận được sốc độ cao là thế nào.

Cũng thật may trong khu trại chúng tôi ở, có một đoàn có hai vợ chồng ông bác sỹ người Nga (gốc Mông cổ) hàng năm đều đi hành hương và làm từ thiện ở Tây Tạng. Chúng tôi được cặp vợ chồng này tiêm thuốc chống sốc, dán một miếng cao vào gáy để tăng cường oxy lên não, dạy cho cách thở (hít sâu, thở ra từ từ) và đặc biệt là phải uống nhiều nước, bình thường phải uống 2l mỗi ngày thì lên đây cần phải uống 3l mỗi ngày. Thời tiết thì lạnh, phải di chuyển liên tục nên nếu uống nước lạnh, trắng 3l mỗi ngày cũng không phải dễ dàng gì chưa kể bạn phải liên tục tìm chỗ để output nữa J).

Sau khi tiêm thuốc xong, ra ngồi ngoài cửa một lúc, nhìn một số người đang trèo lên ngọn núi bên cạnh để ngắm hồ lúc hoàng hôn xuống. Mặc dù khá mệt, nhưng cuối cùng tôi quyết định vác máy trèo lên núi. Cứ từ từ, chầm chậm leo lên, cuối cùng tôi cũng lên đến đỉnh, gió rất mạnh, cờ lungta bay phần phật. Rất ít người Việt chọn ngủ lại ở đây vì ngủ ở độ cao gần 5000m cũng là 1 thủ thách. Chúng tôi đã quyết định ngủ lại một đêm tại hồ này vì muốn ngắm cảnh hoàng hôn và bình minh nơi đây. Một quyết định cũng không tệ.

Trời chiều lại quá nhiều mây, có mây đen, không thấy mặt trời đâu, dường như là không may mắn lắm. Tôi ngồi ngắm cảnh một lúc rồi lại từ từ đi xuống núi, vòng ra sau và đi về hướng tây. Có vẻ đã thích nghi được với độ cao rồi, cũng không còn thấy mệt lắm.Ngoài này thoáng hơn nên cũng dễ thở hơn trong lều. Trời đã bắt đầu tối dần, những tia nắng cuối cùng đỏ rực phía chân trời. Ít nhất là cũng còn thấy hoàng hôn trên hồ.

Mò về trại, mọi người đang ăn tối. Cũng không có gì nhiều để ăn. Mỳ tôm mang theo, cơm hoặc mỳ gạo của người Tạng. Mọi người đang có vẻ rất có vấn đề với việc ăn uống. Mình ngồi xuống làm một lèo hết bát mỳ to của ai đó không ăn. Không quá tệ, thế là đủ cho bữa tối. Mọi người còn ngồi nói chuyện một lúc rồi đi ngủ.

Ba anh em nam giới ngủ 1 phòng, 2 nữ giới ngủ cùng một bạn người Đức khác. Đêm hôm đó ngủ không tốt lắm, một bác  béo khó thở, phải dung nước nóng chườm tim. Dậy mấy lần đưa bác ấy đi WC và sang phòng chị em xem có ổn không. Cuối cùng thì cũng chợp mắt được một lát.

P/S : Nếu các bạn đi hồ Namtso thì có thể đi và về trong ngày không ngủ qua đêm nếu sức khỏe các bạn không tốt hoặc bỏ tu viện Deprung đi, hoặc nếu muốn ngủ đêm thì cũng ko nên thăm tu viện trong cùng 1 ngày mà nên sắp xếp để sang ngày khác. Dành nhiều thời gian ở hồ Namtso để nghỉ ngơi và khám phá.

Ngày 6: Hồ Namtso - Lhasa - Sera Monastery

Sáng sớm, dậy đi tìm ông mặt trời cùng, vác đống đồ đi ra hồ, sáng hôm nay đã bớt gió, trời vẫn lờ mờ tối. Nước hồ trong vắt và lạnh buốt. Rửa mặt bằng nước hồ, cái lạnh làm cho mình không thể tỉnh hơn. Người dân ở đây họ ra hồ từ sớm lấy nước mang về dâng lên bàn thờ phật. Tôi cũng lấy 1 chai nước hồ và 1 chai sỏi mang về cho bà chị sùng đạo nhờ lấy hộ trước khi đi. Cuối cùng thì mặt trời cũng đã lên, tia sáng xuyên qua lớp mây sớm tạo ra một cảnh sắc tuyệt đẹp. Cũng không quá tệ để không phải tiếc vì đã phí 1 đêm ở Namtso. 

Sau này tổng kết lại mới thấy thật sự là rất may khi ngủ lại 1 đêm tại Namtso, gặp được 2 vợ chồng ông bác sỹ người Mông cổ để sau đó có ý thức về việc vận động, uống nước và thở nhằm chống sốc độ cao. Nhờ vậy mà khi lên Everest Base Camp đa phần mọi người đều ổn. Sau bữa sáng với cháo, chia tay vợ chồng bác sỹ, chúng tôi quay lại Lhasa. 

Cả đoàn tương đối mệt nên bỏ qua tắm nước khoáng nóng trên đường về, có khỏe chắc cũng không còn hứng thú với việc tắm suối khoáng lắm. Về khách sạn nghỉ một lát, 3h chiều chúng tôi đi tu viện Sera xem Monk Debating – hoạt động truy bài của các vị sư.

Tu viện Sera cách đền Jokhang khoảng 5km, được xây dựng năm 1419 cũng bởi Tông Khách Ba, đã từng là một trong 3 tu viện lớn nhất Tibet theo phái Hoàng Mạo. Sera tiếng Tạng là hoa hồng bởi tu viện được xây dựng trên khu đất trước kia tràn ngập hoa hồng dại. Sera được coi là trường đại học phật giáo lớn nhất Tây Tạng, trước cuộc Khủng Bố Đỏ năm 1959, nơi đây có khoảng 5000 vị sư theo học. Nay chỉ còn khoảng 800 người.

Thu hút nhiều khách thăm quan nhất ở tu viện là hoạt động truy bài của các vị sư vào 3h chiều hàng ngày, kéo dài khoảng 2 tiếng. Các vị sư sẽ tập trung trong Vườn Tranh Luận dưới bóng cây cổ thụ để truy bài. Thường sẽ chia cặp người hỏi và người trả lời. Người hỏi sẽ đứng, người trả lời sẽ ngồi. Khi trả lời sai thì người hỏi sẽ vỗ tay với 2 bàn tay đều ngửa, nếu đúng thì vỗ 2 lòng bàn tay vào nhau. Có một vài vị sư cao tuổi có vẻ như là cấp cao hơn sẽ giám sát các sư trẻ học bài. Nghe nói sau khi tốt nghiệp xong ở đây, các vị sư sẽ tiếp tục tu luyện và học tập để đạt tới cấp độ cao nhất là Laima. Các vị này sẽ tìm một nơi thâm sơn cùng cốc để một mình ngồi thiền đủ 3 năm, 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày (1209 ngày). Cũng nghe đồn là sau khi tu luyện như vậy xong các vị sư này sẽ có khả năng đặc biệt siêu phàm. Chưa gặp, chưa thấy, nên chưa tin được.

Chúng tôi ở đây khoảng 1 tiếng rồi quay về khách sạn, nghỉ ngơi, ăn tối mừng sinh nhật một thành viên rồi lại lang thang dạo trên quảng trường Jokhang. Khá mệt, chúng tôi đi nghỉ sớm.

Ngày mai sẽ là một ngày di chuyển rất dài và hứa hẹn rất nhiều thú vị (Hết phần 3).

0913 339 339