Bhutan được biết đến là vương quốc Rồng sấm với rất nhiều lễ hội trong năm. Tshechu là một trong những sự kiến lớn, nhiều màu sắc và thú vị nhất đối với người dân Butan và khách du lịch. Lễ hội Tshechu tổ chức rất nhiều hoạt động và diễn ra trên khắp đất nước.Tshechu có nghĩa là: “ngày10 - ngày đẹp”.
Người dân vương quốc Bhutan trong trang phục màu sắc rực rỡ, đeo nhiều trang sức đi từ sớm để tham gia lễ hội. Các điệu múa được trình diễn bởi các nhà sư, các tín đồ với trang phục đẹp mắt, sắc màu, đeo các mặt nạ hình thù ấn tượng và có phần kỳ quái trình diễn những điệu múa, các bài hát dân ca truyền thống trong lễ hội.
Mỗi địa phương lại tổ chức lễ hội Tshechu vào một thời gian khác nhau trong năm theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, chủ đề chính đều giống nhau và chỉ khác một chút phụ thuộc vào bản sắc, truyền thống và truyền thuyết của từng vùng. Lễ hội dàn dựng xoay quanh cuộc sống linh thiêng của thánh Guru và các vị thần, thánh đã truyền bá đạo Phật tới Bhutan. Ngắm nhìn những điệu múa với mặt nạ ta thấy được sự linh thiêng và điều quan trọng nhất là mọi người có dịp được rửa sạch mọi tội lỗi, được ban phước lành cùng những lời chúc tốt đẹp.
Lễ hội Tshechu tại Paro diễn ra vào tháng 4 hàng năm, và chính xác từ ngày 7-11 tháng 4 năm 2017. Đây là lý do vì sao đoàn chúng tôi chọn đến Bhutan vào dịp này để tham gia lễ hội và nghe nói rằng Vua Bhutan, thủ tướng cùng các thành viên chính phủ sẽ tham gia vào ngày cuối cùng ở lễ hội ở Paro. Vì vậy chúng tôi chọn ngày 11/4 để tham gia lễ hội mong được tận mắt chứng kiến các hoạt động của lễ hội và nhìn thấy vua Bhutan.
Mặc dù sau 2 ngày leo núi, ở trên đỉnh 4000, mỏi gối chân trùng và mệt dã dời nhưng quyết không thể bỏ qua cơ hội tốt để hiểu thêm về văn hóa Bhutan. Đoàn chia làm 2 đội, một đội đi sớm (hy vọng chiếm chỗ cho đội ở nhà, kiểu xí phần như ở Việt Nam) nhưng bà con Bhutan đi đông như trảy hội nên việc chiếm chỗ cho quân ta dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Khi đến thấy bà con quần áo lộng lẫy mỗi người mang theo 1 cái làn trong đó có 1 cái phích đựng trà bơ và đồ ăn sáng để đến đó vừa thưởng thức vừa ăn sáng.
Trước khi vào lễ hội bạn hướng dẫn viên dặn là không được chụp ảnh với Vua, khi vua vào cũng đừng chụp, nếu có đứng gần vua thì cũng đừng xin chụp ảnh cùng vì vua lịch sự sẽ không bao giờ nói không, nhưng các vệ sĩ chắc chắn sẽ đến để ngăn bạn chụp ảnh. Vì một người chụp được thì người khác sẽ lao vào sẽ làm hỏng hình ảnh của đức vua tôn kính của họ.
Đúng 7h45 Vua với áo choàng màu vàng, thủ tướng và các quan chức chính phủ áo choàng màu cam, các nhân viên của chính phủ phe đảng dân chủ áo choàng màu xanh lá, phe đảng đối lập là màu xanh dương, còn dân thường thì mặc khăn choàng màu trắng (đó là sự phân biệt các tầng lớp và giai cấp của Bhutan). Một đất nước nhỏ bé như vậy nhưng cũng đa đảng nhé, trong quá khứ có đến 5 đảng, nhưng nay chỉ còn 2 đảng là dân chủ và phe đối lập.
Vua còn khá trẻ mới 36 tuổi học ở Oxford Anh về, sẽ là người đưa ra các đường lối chính sách và ý tưởng để quản lý đất nước. Thủ tướng sẽ là người thực thi và điều hành đất nước. Nếu thủ tướng và vua bất đồng quan điểm về một chính sách nào đó thì Vua vẫn là người có quyền cao nhất để quyết định một việc của đất nước.
Thủ tướng Bhutan 52 tuổi, là một người được đánh gía là năng động, có nhiều đóng góp lớn và tích cực cho Bhutan. Ông nói tiếng Anh trôi chảy và diễn thuyết cuốn hút trước hàng ngàn khán giả châu Âu với bài phát biểu gây sốt trong Ted talk về việc Bhutan không sản sinh ra cacbon thậm chí là âm. Cái cách mà ông diễn thuyết và giới thiệu về Bhutan nhỏ bé sẽ khiến nhiều người bị lôi cuốn, hấp dẫn và tò mò muốn đến khám phá đất nước này ngay lập tức và tôi là một trong số đó.
Tôi thích cái cách mà Vua và Thủ tướng giao tiếp cũng như tương tác với người dân. Sau khi vua làm lễ khá nhanh khoảng 3 phút (thắp hương và khấn), không hề cầm giấy phát biểu hàng 15-30 phút với thông tin sáo rỗng chẳng ai muốn nghe, hay phát biểu xong thì dân chúng vỗ tay rào rào và tất cả đi về. Chỉ Vua và Thủ tướng lên khán đài ngồi cùng với người dân (đi qua mặt chúng tôi vì lúc đó đang ngồi ngay sát lối đi). Ông chọn hàng ghế mà không có khách du lịch và nhiều người già Bhutan và xen vào ngồi giữa (nói là hàng ghế nhưng là ngồi bệt xuống đất, không có ghế). Tôi đánh giá cao điều này vì cảm nhận được rằng:ông không hề quan cách vì ông và các quan chức được bố trí sắp xếp một hàng ghế riêng ở dưới, một vị trí cực đẹp để xem biểu diễn.
Sở dĩ Vua không quan cách hay khoa trương vì từ nhỏ lúc còn học cấp 1 và cấp 2, ông phải đi học ở trường công như các bạn học sinh khác, chơi bình đẳng và hòa đồng với những bạn học sinh khác không hề có sự khác biệt hay ưu tiên. Ông thấu hiểu nỗi khổ và cuộc sống của người dân, đến cấp 3 mới được chuyển vào một ngôi trường tốt nhất để được đào tạo và sang nước ngoài để học tập.
Vua nói chuyện với các cụ già, với thanh niên rất vui vẻ và chân thành, dân Bhutan cũng bình thản giao tiếp với Ông chứ không hề kiểu sun xoe, xu nịnh và vẫn theo dõi các tiết mục biểu diễn ở sân khấu bình thường. Thỉnh thoảng có mấy bạn Tây đến tiếp chuyện với Vua. Họ ngồi khoảng 30 phút thì ra về, trên đường về vua dừng lại nói chuyện với một khách du lịch Nhật Bản khi thấy ông này đeo một máy ảnh Canon. Ông thân thiện và nói rằng ông cũng là dân chơi Canon. Bố cháu học được mấy câu chào hỏi xã giao tiếng Bhutan chào hỏi Vua đã phát huy tác dụng. Vua dừng lại hỏi bạn đến từ đâu, khỏe không, tiếc là lúc đó mình không hỏi chuyện thủ tướng vì mải hóng Vua nói chuyện)
Các tay máy ở góc xa có chụp chộp được tý nào không mình không biết nhưng một bạn cùng hàng dùng điện thoại để chụp ảnh và selfie. Ngay lập tức có một nhân viên an ninh mặt không hề đâm lê, rất lịch sự bảo cho mượn cái điện thoại mở ra và xóa những cái có hình ảnh vua trong đó. Bố cháu cũng định giơ điện thoại lên chụp một bạn gia hiệu nhắc kiểu: Bạn có thể chụp bằng máy ảnh nhưng điện thoại thì không vì sợ chụp ngược lại vua vì mình ngồi trước vua 2 hàng.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội Tshechu, một tấm lụa khổng lồ gọi là “Thongdrol” (nhỏ hơn gọi là Thangka) vẽ thánh Guru được mở ra là một trong những tác phẩm hội họa thiêng liêng và thánh thiện nhất của Phật giáo. Rất nhiều du khách và dân địa phương phải đi từ 2-3h sáng để được tận mắt việc kéo tấm Thongdrol này lên. Thongdrol có nghĩa là " giải thoát ngay từ cái nhìn” và người ta tin rằng chiêm ngưỡng Thongdrol sẽ rửa sạch mọi tội lỗi và ban “mưa” phước lành cho cuộc sống.
Trong lễ hội Tshechu người ta dùng mặt nạ hề được gọi là Atsara nhằm xua đuổi tội lỗi, ma quỷ bằng cách chế giễu sự việc thế gian. Các nghệ sĩ múa Atsara đeo mặt nạ truyện tranh với một cái dương vật treo trên trán tự do bắt chước các điệu múa, các nhân vật tôn giáo cũng như bắt chước cả các điệu múa truyền thống theo cách khiếm nhã và quấy nhiễu.
Vì sao Tshechu còn goi là lễ hội “Giết Quỷ”, truyền thuyết kể rằng để dụ dỗ lũ quỷ ra khỏi nơi ẩn náu, thánh Guru đã trình diễn tám điệu múa của mình trước nơi ẩn náu của chúng. Tò mò muốn thưởng thức âm nhạc và điệu múa của thánh Guru, lũ quỷ đã ra khỏi chỗ trốn của chúng. Nhanh như cắt, thánh Guru đã gài bẫy và thuần hóa lũ quỷ dữ và biến chúng thành người bảo vệ và giám hộ của Phật giáo.
Bạn có thể phải trả nhiều tiền hơn khi đi vào mùa cao điểm hay mùa lễ hội nhưng chúng tôi khuyên bạn rằng nên đi vào thời điểm đó thì bạn mới có thể cảm nhận hết được văn hóa và cuộc sống của người dân ở đây. Mặc dù bạn guide nói rằng bạn ấy thích các lễ hội nhỏ ở các khu vực thôn quê hơn, vẫn biết rằng lễ hội này mang tính trình diễn để thu hút khách du lịch nhưng ít ra cũng giúp du khách thích thú và cảm nhận được văn hóa và con người nơi đây. Mong rằng Bhutan vẫn duy trì được bản sắc, con người nơi đây vẫn hiền lành chân chất chứ không bị thương mai hóa. Tôi tin là như vậy bởi đây là đất Phật, theo họ từ hành vi sẽ tạo ra thói quen, thói quen sẽ tạo nên tính cách và đã là tính cách thì không phải dễ thay đổi được.