Kinh nghiệm du lịch

Nhật ký du lịch Tây Tạng - Nepal 17 ngày (Phần cuối)

Ngày 15: Kathmandu square

Sau bữa sáng nhẹ tại khách sạn, chúng tôi thong thả ra đường. Dự định ngày hôm nay đi Kathmandu Dubar Square, Patan, thánh địa Hindu Pashupatinath.

Đường phố Kathmandu rất nhiều quạ và chim bồ câu, nhìn chung là rất bẩn và lộn xộn. Chúng tôi vừa từ nơi khô, sạch sẽ, không khí trong lành dù ít oxy, xuống một nơi bụi bẩn, trời u ám, cảm giác cũng hơi hụt hẫng một chút. Thực ra lúc đầu cũng hơi thú vị với đám chim bồ câu, người dân hay mang gạo ra ném cho chúng bu xuống ăn. Nhưng sau một lúc chụp ảnh, chúng tôi bắt đầu thấy sợ mùi hôi của chúng.

nhat-ky-du-lich-tay-tang

Trong thung lung Kathmandu, có 3 thành phố quan trọng là Kathmandu, Lalitpur (Patan) và Bhaktapur, mỗi thành phố có 1 quảng trường quan trọng lần lượt là Katthmandu square, Patan square và Bhaktapursquare. Các quảng trường này tập trung các đền thờ, cung điện quan trọng của thành phố, là nơi để người dân hành lễ hàng ngày.

Kathmandu square không xa khu Thamel mấy, chúng tôi đi bộ ra đó, phố cổ Thamel có nhiều ngôi nhà cổ xây gạch. Kiến trúc của nhà cổ của Nepal không đẹp lắm, thường là dùng gạch và gỗ với những trạm trổ phức tạp. Một số ngôi nhà nhìn có vẻ như có nguy cơ xụp đổ bất kỳ lúc nào.
Kathmandu Square là một khu vực có nhiều tháp, đền thờ, cung điện. Hầu hết các công trình này được xây dựng từ thế kỷ 16, 17. Công trình quan trọng nhất có lẽ là Hanuman Dhoka, đã từng là hoàng cung của Nepal thời phong kiến.

nhat-ky-du-lich-tay-tang-nepal-17-ngay-phan-cuoi-1

Vé vào khu vực Kathmandu Square là 750NPR/người (khoảng 160k VND). Khi mua vé mấy cậu bán vé nói rằng sáng nay Thánh nữ Kurami sẽ xuất hiện. Người dân Nepal thờ Thánh Nữ sống. Họ chọn ra một bé gái từ những dòng họ danh giá bằng các bài kiểm tra về nhân tướng học và trắc nghiệm đặc biệt. Thánh Nữ sẽ hết nhiệm kỳ khi đến tuổi dậy thì và xuất hiện kỳ kinh đầu tiên. Nếu ai nhìn thấy mặt Thánh Nữ không cười không khóc thì sẽ may mắn. Ngược lại nếu nhìn thấy Thánh Nữ đang khóc hoặc cười thì không may mắn. Bọn lừa đảo, hôm đó làm gì có Thánh Nữ xuất hiện. Sau buổi sáng hôm đó chúng tôi mới biết cần phải cảnh giác với những người Nepal và phải mặc cả mọi nơi.

nhat-ky-du-lich-tay-tang-nepal-17-ngay-phan-cuoi-2

Chúng tôi lang thang trong quảng trường suốt buổi sáng hôm đó, chủ yếu là trong Hanuman Dhoka. Gần trưa, cảm thấy mệt với mùi hôi của đám chim bồ câu, nóng và bụi bẩn, chúng tôi quay lại khách sạn, đi ăn trưa rồi nghỉ trưa. Theo kế hoạch chiều hôm đó chúng tôi còn đi Patan Squarevà đền Pashupatinath. Tuy nhiên vì không thích Kathmandu Square lắm nên mọi người đều thống nhất không đi Patan Square nữa. Bác Phong thậm chí đảo ngũ luôn, ở khách sạn không đi nữa.

Tôi đã đọc được trong hầu hết các topic trên các diễn đàn của những đoàn đi trước, mọi người hoặc không viết về Nepal hoặc viết rất ít, một số bạn có nói về sự tụt cảm xúc và hứng thú khi từ Tibet sang Nepal. Giờ mình hoàn toàn tin điều đó. Tôi cũng hiểu tại sao Nepal có nhiều điểm rất đẹp và thú vị như Pokhara, rừng Chitwan. Tuy nhiên hầu hết các đoàn sau hơn 10 ngày tại Tibet sẽ không còn thời gian đi Pokhara, chỉ ở Kathmandu nên sẽ mất hứng thú.
nhat-ky-du-lich-tay-tang-nepal-17-ngay-phan-cuoi-3

nhat-ky-du-lich-tay-tang-nepal-17-ngay-phan-cuoi-4

Chiều hôm đó ngoại trừ bác Phong, chúng tôi đi đến đền Pashupatinath. Tôi quyết đến ngôi đền Hindu đó vì mấy vị Hanuman trong đền này là một trong những nguyên nhân tôi đến Kathmandu. Đền Pashupatinath được tín đồ Hindu giáo coi là thánh địa, là địa điểm hành hương hàng năm của tín đồ Hindu trên khắp thế giới. Chúng tôi bắt Taxi. Hầu hết xe ô tô ở Nepal đều từ Ấn Độ, đặc biệt là taxi, đều dùng xe Ấn Độ, rất cũ. Lái xe taxi ở Kathmandu chạy xe như phim hành động, đường phố đông đầy người nhưng xe luồn lách cực nhanh.

Nepal là đất nước được Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng. Nepal nhận viện trợ của cả hai nước. Tuy nhiên ảnh hưởng của Ấn Độ nhiều hơn.  Có đến gần 90% dân số theo đạo Hindu - Ấn Độ giáo, 9% theo đạo Phật, một số nhỏ theo các đạo khác. Lumbini – nơi Phật sinh trước kia thuộc Ấn Độ, nay thuộc Nepal

nhat-ky-du-lich-tay-tang-nepal-17-ngay-phan-cuoi-6

Chúng tôi đến Pashupatinath, vé vào cửa mấy cậu bán vé đòi 4000 NPR/4 người, sau khi mặc cả hồi lâu giảm xuống 2000NPR. Một đồng chí bán vé dẫn vào đền mà không cần vé, kiêm luôn cả hướng dẫn viên.

nhat-ky-du-lich-tay-tang-nepal-17-ngay-phan-cuoi-7

Đúng như những gì tôi đã có lần đọc về Ấn Độ giáo, ngôi đền thiêng này thực sự rất kinh và ghê rợn. Mùi hôi bốc lên khắp nơi, mấy con bò gầy dơ xương đang lang thang trong đền, một số nơi tế lễ bằng máu dê tươi hôi hám. Ngôi đền nằm hai bên bờ sông, những đám hỏa thiêu người vẫn đang cháy, một đám đang chuần bị. Khi hỏa thiêu xong, toàn bộ tro sẽ được hất xuống sông. Người theo đạo Hindu tin rằng nước sông đó rất thiêng, họ tắm rửa, ăn uống bằng nước sông bẩn và ô nhiễm đó. Nói chung là thực sự ghê rợn và kém văn minh.

Trời bỗng mưa, chúng tôi tìm đến trú mưa trong mấy ngôi đền nhỏ nơi mấy vị Hanuman đang ngồi. Hanuman là những người không gia đình, không nhà cửa, sống trong những ngôi đền bằng đồ bố thí của các tín đồ. Họ quanh năm mặc khố, cửi trần hoặc mặc quần áo giống mấy ông đạo sỹ. Bôi một thứ bột mầu trắng gì đó vào người, mặt thì bôi mầu vàng, đỏ. Chúng tôi chụp ảnh một lúc, trước khi chụp có hỏi người bán vé dẫn chúng tôi vào là có chụp ảnh có phải trả tiền không, ông ta nói cho bao nhiêu thì tùy. Khi chụp xong, đưa cho 100NPR (1US$), họ chê ít đòi thêm. Lại đưa cho 100NPR nữa.

nhat-ky-du-lich-tay-tang-nepal-17-ngay-phan-cuoi-8

nhat-ky-du-lich-tay-tang-nepal-17-ngay-phan-cuoi-9

Trên đường ra khỏi đền, gặp một đám đang tế thần Shiva, một người đàn ông ôm 1 con cừu non, bẻ cổ ra đằng sau, dùng dao cắt một đường dứt khoát vào cổ, máu phun ra thành vòi, ông ta chạy quanh cột đá nơi làm lễ, tưới máu tươi lên đó. Thực sự ghê rợn đến nỗi tôi không muốn tìm hiểu xem niềm tin của họ là gì nữa.
Chúng tôi ra khỏi đền, chạy về khách sạn và kết thúc ngày thứ 2 ở Kathmandu theo cách không thể tệ hơn. Không còn hứng thú khám phá thêm thành phố này nữa. Hết muốn đi Ấn Độ luôn, ít nhất là tại thời điểm đó.
 
Ngày 16: Kathmandu –KualaLumpur - Hà Nội

Ngày cuối cùng chúng tôi dành cho việc lang thang trong khu Thamel, mua đồ lưu niệm. Tôi mua được một cái đàn Sarangee – nhạc cụ truyền thống của người Nepal, một bức Thangka và rất nhiều vòng, móc treo chìa khóa.
20h chúng tôi thuê 1 chiếc xe ra sân bay. Sân bay quốc tế Tribhuvan của Nepal giống như nhà ga Hàng cỏ của mình, được cái mấy anh lính ở sân bay rất thân thiện.

Chuyến bay về với MalaysiaAirline lúc 23h30, đến sân bay Kuala Lumpur lúc 6h25 sáng hôm sau. 9h50 bay tiếp để 12h15 có mặt ở Hà Nội. Riêng Bác Phong về Sài Gòn sớm hơn.

Kết thúc một chuyến đi du lịch Tây Tạng mà cho đến lúc này,  hơn sáu năm sau, khi đang ngồi viết nhật ký này, tôi vẫn chắc rằng đây là chuyến đi ấn tượng nhất, thú vị nhất, đáng đi nhất từ trước đến nay của chúng tôi và có thể cả sau này nữa.

Tây Tạng là nơi vô cùng đặc biệt, là nơi mà bạn không muốn sống ở đó nhưng sẽ muốn quay lại ngay khi bạn vừa rời đi. Lúc này mỗi khi xem lại ảnh, phim hoặc bất cứ khi nào tình cờ nhìn thấy, nghe thấy ai đó nói về Tây Tạng, tôi lại mong một lần nữa quay lại nơi ấy

0913 339 339